Cuối tháng 12/2015, Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) sẽ chính thức được thành lập, cho phép người lao động của một số ngành nghề được tự do di chuyển trong 10 nước Đông Nam Á để làm việc.
Cộng đồng này được hình thành sẽ sở hữu lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và là lực lượng lao động trẻ. Đây thực sự một lợi thế rất lớn của các nước trong khu vực ASEAN trong nền kinh tế thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay.
Bằng việc hiểu được điểm mạnh và điểm còn hạn chế của đội ngũ quản lý, các doanh nghiệp tại khu vực này sẽ có những chiến lược phù hợp về nhân sự để có thể đối phó với tình trạng “chảy máu chất xám” và “thu nhận chất xám” rất có khả năng xảy ra khi cộng đồng này được thành lập.
Theo một khảo sát mới đây được thực hiện bởi tập đoàn en world và Navigos Search, Việt Nam hiện đang rất thiếu nhân sự cấp trung v cấp cao, cả về số lượng và chất lượng.
Khảo sát cũng cho thấy, đội ngũ quản lý người Việt không chỉ thiếu về kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo mà kỹ năng thông thạo tiếng Anh vẫn còn là một thách thức lớn, mặc dù đội ngũ này được đánh giá cao về kỹ năng giao tiếp và khả năng học hỏi. Có tới 31% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng tiếng Anh là một trong ba yếu tố quan trọng nhất khi tuyển dụng đội ngũ nhân sự cấp trung và cấp cao.
Rõ ràng đây có thể là một bất lợi đối với đội ngũ này khi Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á được triển khai, cho phép người lao động được tự do luân chuyển lao động đối với 8 ngành nghề.
Bên cạnh đó, tính sáng tạo cũng là điểm hạn chế lớn của nhân sự người Việt, tính trung thành với công ty còn thấp. Nói cách khác, tỷ lệ "nhảy việc" trong đội ngũ quản lý cao cấp còn khá cao.
Các công ty nước ngoài tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự thách thức trong việc giữ chân đội ngũ nhân sự quản lý khi gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về lương, thưởng đến từ các công ty cùng ngành trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải.
"Đội ngũ quản lý người Việt không chỉ thiếu về kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo mà còn yếu về kỹ năng tiếng Anh. Đây là một bất lợi lớn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời cũng là một rào cản khi AEC chuẩn bị được triển khai cuối năm nay", bà Vân Anh cho biết.
Theo đó, Giám đốc điều hành Navigos Search cho rằng, doanh nghiệp nên đưa ra được những giải pháp mang lại sự bền vững về việc phát triển nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao trong nội bộ doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng, doanh nghiệp nên tiếp tục xây dựng các chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng”, “Gắn kết nhân viên” trong đó bao gồm các giải pháp có liên quan đến con người, không phân biệt giới tính và địa lý, vốn là nguồn lực quý giá nhất trong việc một doanh nghiệp hoạt động thành công và phát triển lâu dài trong nền kinh tế mang tính thách thức lớn về nguồn nhân lực như hiện nay", bà Vân Anh cho biết.
(Theo Bizlive)