Ngôn ngữ duy nhất không có học viện chuyên môn
L'Académie française - Học viện ngôn ngữ Pháp đặt tại thủ đô Paris là cơ quan chuyên trách về tiếng Pháp. Ngoài nghiên cứu, một phần trách nhiệm của nơi đây là tìm các từ tương đương của tiếng Anh được du nhập vào Pháp. Nhờ họ, email (thư điện tử) của tiếng Anh mới trở thành courriel.
Ở Tây Ban Nha cũng có một cơ quan tương tự là Real Academia Española, người Đức có Rat für deutsche Rechtschreibung... Tuy nhiên, Anh là một ngoại lệ. Trong 10 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, duy nhất tiếng Anh không có học viên chuyên môn chính thống ở quê hương. Quốc gia duy nhất ngày nay có học viện tiếng Anh là Nam Phi.
Lần gần nhất nước Anh tiến sát tới việc thành lập học viện là từ đầu thế kỷ 18. Khi đó, Jonathan Swift, tác giả cuốn "Chuyến phiêu lưu của Gulliver" nổi tiếng đã nỗ lực vận động chính quyền để mở học viện vì cho rằng ngôn ngữ này chưa hoàn thiện. Nữ hoàng Anne (quân vương cuối cùng của triều đại Stuart và là nữ hoàng đầu tiên của Vương quốc Anh) là người ủng hộ ý tưởng, tuy nhiên bà qua đời trước khi ý định này được phê duyệt. Từ đó, người ta quên luôn đề xuất trên.
Tại Mỹ, quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, một dự thảo luật về thành lập viện ngôn ngữ quốc gia cũng thất bại khi trình quốc hội năm 1806. 14 năm sau đó, Học viện ngôn ngữ và văn chương Mỹ được Tổng thống John Quincy Adams mở ra nhưng phải đóng cửa chỉ 2 năm sau vì nhận được ít ủng hộ từ cộng đồng cũng như giới chính trị.
Hơn một tỷ người học
Theo Hội đồng Anh, gần một tỷ người trên thế giới học tiếng Anh vào năm 2000 và tới nay con số này còn cao hơn (hiện chưa có thống kê chính xác).
96 trong 100 từ tiếng Anh thông dụng nhất bắt nguồn từ Đức
Gốc Đức phổ biến trong những từ tiếng Anh được dùng nhiều nhất. 100 từ này có mặt trong hơn 50% tư liệu về tiếng Anh, tương đương trên một tỷ từ trong ngôn ngữ viết toàn cầu. Các từ thường dùng này có thể được xem là phần xương thịt để tạo nên một cơ thể, là căn bản để giao tiếp (ví dụ các từ I, you, go, eat...). Tiếng Anh cổ được phát triển với gốc ngôn ngữ Đức trong giai đoạn giao thoa ở nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Đa phần từ hình thành sau năm 1066 có gốc Latin
Dù nhiều từ cơ bản gốc Đức, đa phần người nói tiếng Anh lại khẳng định tiếng Pháp và Tây Ban Nha dễ hiểu hơn tiếng Đức. Thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu bắt nguồn từ Italy và tràn tới Anh qua Pháp, mang theo nguồn từ mới khổng lồ cho ngôn ngữ nơi đây. Những tư tưởng mới, hoặc cái cũ được tái phát hiện trong giai đoạn này không có từ để miêu tả trong tiếng Anh. Do đó, ngôn ngữ đã mượn thêm từ gốc Latin, khiến từ vựng tiếng Anh tăng lên gấp đôi.
Giai cấp quý tộc từng không nói được tiếng Anh trong hơn một thế kỷ
William the Conqueror (Vua William I của Anh) từng cố học tiếng Anh năm 43 tuổi nhưng phải từ bỏ. Ông dường như không hứng thú với mảnh đất mình chinh phục được vào năm 1066 (chính là nước Anh) mà dành nửa thời gian trị vì của mình ở Pháp.
Trong 20 năm người Norman cai trị ở Anh, ngôn ngữ phổ biến trong các viện tôn giáo ở đây là tiếng Pháp. Do vậy, những người Anh đầy tham vọng muốn vươn lên tầng lớp trên đều học tiếng Pháp. Từ đó, giới quý tộc đa phần bỏ rơi tiếng Anh. Mãi tới thế kỷ 12, một số trẻ em trong các gia đình quyền quý mới xem tiếng Anh là ngôn ngữ đầu đời.
Từ gốc Latin nghe "quý tộc" hơn từ gốc Đức
Trong tiếng Anh có rất nhiều từ đồng nghĩa, chỉ khác nhau về cách dùng phân biệt dưới mức độ chuẩn mực hay sang trọng. Ví dụ từ có nghĩa ngôi nhà (house, gốc Đức) nghe không sang bằng mansion (gốc Latin).
Tên các loài vật và đồ ăn cũng phản ánh hiện tượng trên. Những câu chuyện từ xưa kể rằng tại Anh, vật nuôi có tên gọi bằng tiếng Đức nhưng khi nấu lên thành món ăn thì lại gọi bằng tiếng Pháp. Ví dụ, swine (con lợn) là từ Đức còn pork (thịt lợn) từ Pháp, hay sheep (con cừu) và mutton (thịt cừu) tương tự. Một số người giải thích nguyên nhân là người nói tiếng Anh làm việc tại các nông trang (nông dân), còn người tiêu thụ các sản phẩm đó lại nói tiếng Pháp (quý tộc).
Khái niệm "phát âm chuẩn" mới hình thành
Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc đánh vần và phát âm tiếng Anh khá thất thường, một trong số đó là việc không có học viện ngôn ngữ. Tuy nhiên, quan điểm về phát âm không được coi trọng cho mãi đến thế kỷ 17, khi những cuốn từ điển đầu tiên được xuất bản. Thời điểm đó, các nhà học thuật và nhà văn đã nổ ra những cuộc tranh luận quanh chủ đề này.
Ví dụ, đại văn hào Shakespeare là một người khá hào phóng trong việc vận dụng từ ngữ, ông thường dùng rất nhiều biến thể trong một câu văn. Bản thân tên của ông cũng có rất nhiều cách phát âm khác nhau qua thời gian.
Người chịu trách nhiệm chính cho sự khác biệt của âm tiếng Anh và tiếng Mỹ
Noah Webster là một nhà yêu nước người Mỹ, ông tin rằng một quốc gia như Mỹ cần có ngôn ngữ riêng. Webster nhận thấy tiếng Anh có quá nhiều từ Pháp và một số vấn đề khác nên đã viết sách dạy tiếng cho người Mỹ, những người đại diện cho một quốc gia trẻ, kiêu hãnh và tư tưởng tiến bộ.
Từ năm 1783 đến 1785, ông xuất bản 3 cuốn sách dạy tiếng Anh cho trẻ em Mỹ và có khoảng 385 ấn bản trong suốt cuộc đời. Webster muốn quá trình phát âm hợp lý, logic hơn. Ông trở thành một ví dụ hiếm hoi cho người viết từ điển muốn lái tiếng Anh theo hướng khác, thay vì mô tả nó.
Hậu tố "ize" không phải của Mỹ
Nhiều người tin rằng các từ như popularise/ize, maximise/ize... có cách đọc khác nhau giữa tiếng Anh - Anh và Anh - Mỹ. Nguồn gốc bắt đầu từ tiếng Anh cổ với ngôn ngữ du nhập từ Pháp. Nhưng chính Webster đã lựa chọn và chuẩn hóa phụ tố "ize" trong tiếng Anh Mỹ nên mới dẫn tới hiểu lầm này.
Tiếng Anh thay đổi không ngừng
Điều duy nhất bất biến trong ngôn ngữ là những thay đổi. Khi một ngôn ngữ ngừng thay đổi tức là đã đạt đến mức hàn lâm, như tiếng La Mã hay Hy Lạp cổ đại. Từ mới được tạo ra liên tục. Nếu bạn hỏi một người của 20 năm trước liệu họ có googled (tìm kiếm trên Google) bạn mà họ friended on Facebook (kết bạn qua Facebook), họ có thể sẽ nhìn bạn như "người ngoài hành tinh".